“Tuyên chiến” với thực phẩm bẩn

Từ ngày 22 đến 24-3, đoàn công tác của Sở Công thương TPHCM làm việc, khảo sát trực tiếp tại các nhà vườn tỉnh Lâm Đồng về việc cung ứng thực phẩm (rau, củ, quả…) an toàn cho người tiêu dùng TPHCM.


Khách chọn mua trái cây tại siêu thị
Khách chọn mua trái cây tại siêu thị

 

7 hệ thống thương mại cùng tham gia

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, việc kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay mới dừng lại ở lấy mẫu, xây dựng những chuỗi cung ứng nhưng hàng hóa vi phạm vẫn còn trên thị trường, chất lượng hàng hóa không bằng hàng xuất khẩu. Điều này dẫn đến chính quyền, bộ máy Nhà nước nỗ lực rất lớn (kiểm tra, giám sát…) nhưng kết quả nhận lại không tương xứng, hàng kém chất lượng vẫn “lọt lưới” để vào TPHCM, do chế tài chưa đủ mạnh.

Từ định hướng của Sở Công Thương TPHCM cũng như một số sở, ngành, 6 hệ thống thương mại gồm Saigonco.op, Satra, MM Mega Market, Central Retail, AEon Mall, Bách Hóa Xanh đã đưa ra các nguyên tắc quan trọng nhằm chung tay bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn chặn sản phẩm không an toàn… Mới đây, hệ thống Vincommerce cũng đăng ký tham gia chương trình thí điểm tự nguyện này.

8D58501A-E1D7-455A-BD3D-A429C7A00CEB.jpeg
Thu hoạch rau tại nhà vườn Công ty Thảo Nguyên Xanh

 

Nội dung chương trình đưa ra các hành động quan trọng để phát hiện và ngăn chặn sản phẩm không an toàn ngay từ ban đầu, cũng như ở phạm vi nhỏ trong hệ thống phân phối. Nếu phát hiện sản phẩm có vấn đề (an toàn thực phẩm...) hàng hóa của nhà phân phối sẽ bị tạm ngưng trong 24 giờ để kiểm tra an toàn...

Ước tính của Sở Công thương TPHCM, 7 hệ thống thương mại nói trên chiếm khoảng 70% mảng bán lẻ hiện đại, cung ứng lượng lớn hàng hóa cho người tiêu dùng TPHCM. Bước đầu, chương trình áp dụng đối với 3 nhóm sản phẩm, gồm trái cây (xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, thanh long trắng, dưa lưới), rau củ quả (xà lách lô lô xanh, cải thìa, bắp cải trắng, cà chua thường, dưa leo thường), thịt (thịt heo, thịt gà). Sau ngày 1-4 sẽ áp dụng đối với toàn bộ các mặt hàng trái cây, rau củ quả phân phối ở siêu thị. Có thể áp dụng thêm đối với mặt hàng gạo.

Kỳ vọng “cuộc chơi” công bằng

Chia sẻ với đoàn công tác, ông Phan Quốc Hoàng, Giám đốc Công ty Thảo Nguyên Xanh đánh giá cao sáng kiến hợp tác của các hệ thống bán lẻ cũng như ngành công thương TPHCM trong việc chung tay siết lại an toàn thực phẩm. Hiện tại doanh nghiệp đang cung cấp rau quả xanh các loại được trồng trong nhà kính cho 2 đơn vị gồm hệ thống Saigon Co.op và Satra Food …

Với hơn 20 năm kinh nghiệm cung ứng hàng hóa cho siêu thị Co.opmart cũng như một số siêu thị khác, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH nông sản Thảo Nguyên nhận định, việc liên kết này rất hay, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, sản xuất hàng chất lượng nhưng bán giá chợ, thậm chí bị đối tác bỏ rơi giữa chừng.

“Đây cũng là dịp để rà soát lại chất lượng của nhà sản xuất, cung ứng. Nhân đây, tôi cũng đề xuất có logo nhận diện riêng cho những doanh nghiệp sản xuất đạt chuẩn khi tham gia chương trình liên kết tự nguyện này”, ông Nguyễn Lam Sơn đề xuất.

BB1E3579-F8F4-47B1-A630-50BECA0ED955.jpeg
Đoàn công tác Sở Công thương TPHCM làm việc cùng Sở Công thương và doanh nghiệp rau củ Lâm Đồng chiều 22-3

 

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng lo ngại tình trạng các tiêu chuẩn chênh nhau, gây khó cho doanh nghiệp.

Đại diện Công ty Viet Farm thông tin, doanh nghiệp đang thực hành tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, GlobalGAP và EU để cung cấp cho nội địa cũng như xuất khẩu. Giả sử, một trong 7 hệ thống bán lẻ trên giảm tiêu chí đầu vào, ngược lại có nơi lại tăng tiêu chí dẫn đến việc kiểm tra, giám sát cũng khác nhau gây khó cho doanh nghiệp. Theo đó, đại diện Viet Farm mong muốn một “cuộc chơi” công bằng, có sự tham gia giám sát của Sở Công thương TPHCM…

Ở góc độ cơ quan chuyên ngành, bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho rằng, 60-70% lượng hàng rau quả của TP Đà Lạt nói riêng, các địa phương khác của Lâm Đồng nói chung, cung ứng cho các hệ thống phân phối của TPHCM. Mục tiêu của chương trình thí điểm hợp tác nhằm đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa đạt chuẩn…

Bà Thanh cũng nhấn mạnh, người tiêu dùng phải hiểu rằng, hàng chất lượng thì không thể rẻ và rau củ Đà Lạt có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hoàn toàn không có giá rẻ.

“Sở Công thương TPHCM sẽ ngồi lại, cùng hệ thống siêu thị, bàn thống nhất các tiêu chí cứng; quy trình nhập hàng chung. Từ đó, các nhà sản xuất cũng thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, thuận tiện đàm phán với siêu thị. Với các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia, sở có trách nhiệm kết nối, đề nghị hệ thống ưu tiên và có kiểm tra, kiểm soát nên doanh nghiệp không phải lo lắng”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.

THI HỒNG/Thep SGGP